Phương pháp thu thập dữ liệu trong NCKH ngành quản trị

 

PHƯƠNG PHÁP THU THẬP DỮ LIỆU

TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NGÀNH QUẢN TRỊ

Quá trình nghiên cứu thống kê các hiện tượng kinh tế xã hội cần phải có nhiều dữ liệu. Việc thu thập dữ liệu đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí. Tuy nhiên đây lại là phần vô cùng quan trọng, làm nền tảng cho việc nghiên cứu và phân tích diễn ra thuận lợi. Trong bài viết này chia sẻ đến các bạn sinh viên về quy trình và các phương pháp thu thập dữ liệuphổ biến nhất.

  1. Xác định dữ liệu cần thu thập

    Nhà nghiên cứu có thể thu thập rất nhiều dữ liệu liên quan đến hiện tượng nghiên cứu. Vấn đề quan trọng đầu tiên là xác định rõ những dữ liệu nào cần thu thập, thứ tự ưu tiên của các dữ liệu này. Xác định dữ liệu cần thu thập xuất phát từ hiểu kỹ vấn đề nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu. Vấn đề nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu càng cụ thể thì xác định dữ liệu cần thu thập càng dễ dàng.

  2. Dữ liệu thứ cấp và dữ liệu sơ cấp

    Khi thực hiện một nghiên cứu cụ thể, người nghiên cứu có thể sử dụng dữ liệu từ một nguồn có sẵn đã công bố hay chưa công bố, hay tự mình thu thập các dữ liệu cần thiết cho nghiên cứu.

    Dữ liệu thu thập từ những nguồn có sẵn, thường là những dữ liệu đã qua tổng hợp, xử lý, gọi là dữ liệu thứ cấp. Dữ liệu sơ cấp là dữ liệu thu thập trực tiếp, ban đầu từ đối tượng nghiên cứu. Ví dụ khi nghiên cứu về ảnh hưởng của điều kiện ăn ở sinh hoạt đến kết quả học tập của sinh viên, những dữ liệu liên quan đến kết quả học tập của sinh viên có thể lấy từ phòng đào tạo hay thư ký khoa như điểm trung bình, số môn thi lại... (dữ

    liệu thứ cấp)

    Những dữ liệu có liên quan đến điều kiện ăn ở sinh hoạt của sinh viên thì không có sẵn, chúng ta phải trực tiếp thu thập từ sinh viên (dữ liệu sơ cấp)

    Dữ liệu thứ cấp có ưu điểm là thu thập nhanh, ít tốn kém chi phí, nhưng đôi khi ít chi tiết và không đáp ứng đúng nhu cầu nghiên cứu. Ngược lại dữ liệu sơ cấp đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu nhưng phải tốn kém chi phí và thời gian khá nhiều.

    • 2.1.Nguồn dữ liệu thứ cấp
    • 2.2.Nguồn dữ liệu sơ cấp:

    Nguồn dữ liệu thứ cấp khá đa dạng, đối với doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có thể sử dụng các nguồn sau:

    • Nội bộ doanh nghiệp, tổ chức
    • Các cơ quan thống kê nhà nước
    • Cơ quan chính phủ
    • Sách, báo, tạp chí ..
    • Các tổ chức, hiệp hội, viện nghiên cứu
    • Mạng internet (thông qua các máy tìm kiếm như google, google scholar, yahoo ..)

          Dữ liệu thống kê sơ cấp thường được thu thập theo một quy trình bài bản tùy theo loại nghiên cứu thống kê là nghiên cứu thử nghiệm hay nghiên cứu quan sát.

Trong nghiên cứu thử nghiệm, người nghiên cứu đo đạc và thu thập dữ liệu trên các biến kết quả trong các điều kiện khác nhau của các biến nguyên nhân có ảnh hưởng đang nghiên cứu.

Trong nghiên cứu mang tính quan sát thì các dữ liệu cần thiết có thể thu thập từ nhiều người cung cấp thông tin khác nhau như: người chủ hộ gia đình, người đại diện doanh nghiệp, hay cá nhân ... bằng nhiều hình thức khác nhau. Người thu thập dữ liệu có thể đến gặp người cung cấp thông tin tại địa điểm thuận lợi cho việc thu thập (nhà, văn phòng, trường học...) trực tiếp hỏi và ghi chép các dữ liệu vào phiếu khảo sát hay bản câu hỏi. Hoặc người thu thập có thể gửi bản câu hỏi đến người cung cấp thông tin qua đường bưu điện để người cung cấp thông tin tự trả lời vào lúc thuận tiện.

Dữ liệu sơ cấp trong nghiên cứu quan sát có thể đến từ nội bộ hay từ bên ngoài. Các doanh nghiệp hay tổ chức thường có bộ phận chức năng được giao nhiệm vụ thường xuyên, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, ghi chép lại các dữ liệu về các hiện tượng, quá trình hay yếu tố cần nghiên cứu. Ví dụ phòng kinh doanh của công ty có người luôn theo dõi, cập nhật và hệ thống số liệu bán hàng của cả công ty. Các tổ chức tài chính, ngân hàng, đầu tư hàng ngày đều theo dõi và ghi chép diễn tiến giá vàng, giá ngoại tệ trên thị trường.

Khi cần thiết các doanh nghiệp và các tổ chức tiến hành tổ chức thu thập dữ liệu sơ cấp từ bên ngoài, hay thuê các công ty hay tổ chức khác tiến hành thu thập theo yêu cầu của mình. Ví dụ doanh nghiệp có thể tự mình, hay thuê công ty nghiên cứu trường, làm những cuộc điều tra khảo sát để đánh giá mức độ nhận biết sản phẩm thương hiệu, đánh giá về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Các tổ chức giáo dục có thể tự mình, hay thuê các tổ chức chuyên nghiệp, thực hiện các đo lường khảo sát về học viên của mình, và cả những người học đang học ở những nơi khác.

 

3. Các phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp

Có nhiều những cách thức thu thập dữ liệu sơ cấp khác nhau. Những phương pháp thu thập dữ liệu thường được dùng nhất là:

- Thực nghiệm

- Khảo sát qua điện thoại

- Thư hỏi

- Quan sát trực tiếp

- Phỏng vấn cá nhân

 

4. Các kỹ thuật lấy mẫu

          Để chọn mẫu từ tổng thể chúng ta dùng các kỹ thuật lấy mẫu. Vậy tại sao chúng ta lại chọn mẫu? Việc chọn mẫu không cần thiết trong những trường hợp đối tượng nghiên cứu đồng nhất. Tuy nhiên nếu bạn đang nghiên cứu một tổng thể có nhiều yếu tố biến đổi  thì khi đó một mẫu được rút ra một cách khoa học từ tổng thể là một điều cần thiết vì nó giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian so với việc nghiên cứu toàn bộ.

          Có hai nhóm kỹ thuật lấy mẫu là kỹ thuật lấy mẫu xác suất và kỹ thuật lấy mẫu phi xác suất.

Nhóm kỹ thuật lấy mẫu xác suất bao gồm:

  • Lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản (Simple random sampling)
  • Lấy mẫu hệ thống (Systematic sampling)
  • Lấy mẫu cả cụm (Cluster sampling) và lấy mẫu nhiều giai đoạn (Multi-stage sampling)
  • Lấy mẫu phân tầng (Stratified sampling)

    Nhóm kỹ thuật lấy mẫu phi xác suất bao gồm:

  • Lấy mẫu thuận tiện (convenient sampling)
  • Lấy mẫu định mức (Quota sampling)
  • Lấy mẫu phán đoán (Judgement sampling)

 

5. Dữ liệu định tính và Dữ liệu định lượng

          Trước khi thu thập dữ liệu, bạn cũng cần phải phân biệt rõ tính chất của dữ liệu. Có hai loại dữ liệu là dữ liệu định tính và dữ liệu định lượng. Dữ liệu định tính phản ánh tính chất, sự hơn kém của các đối tượng nghiên cứu, ví dụ: giới tính, vùng miền, mức độ xếp hạng yêu thích …

          Dữ liệu định tính dễ thu thập hơn dữ liệu định lượng, nhưng dữ liệu định lượng thường cung cấp nhiều thông tin hơn và dễ áp dụng nhiều phương pháp phân tích hơn. Khi thực hiện nghiên cứu, trong giai đoạn lập kế hoạch nghiên cứu và thu thập dữ liệu, nhà nghiên cứu cần xác định trước các phương pháp phần tích cần sử dụng để phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu của mình. Từ đó xác định loại dữ liệu cần thu thập, các thang đo phù hợp cần sử dụng trong khi thiết kế biểu mẫu hay bảng câu hỏi dùng để thu thập dữ liệu mà nhà nghiên cứu mong muốn.

--%>

Top