GIỚI THIỆU CÁCH TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU ĐỊNH LƯỢNG CHO SINH VIÊN
Trong các nghiên cứu khoa học nói chung và đặc biệt trong nghiên cứu thuộc lĩnh vực kinh tế, nghiên cứu định lượng trở nên phổ biến hơn hết bởi vì những điểm mạnh mà phương pháp này mang lại, tuy nhiên, phương pháp nghiên cứu định lượng thông thường sẽ liên quan đến những công thức và mô hình Toán kinh tế dẫn đến nhiều khó khăn cho sinh viên trong quá trình thực hiện và tiếp cận các đề tài nghiên cứu của mình. Bài viết cung cấp cho nhà nghiên cứu về những bước cơ bản nhất trong nghiên cứu định lượng.
1. Nghiên cứu định lượng? Đây là phương pháp nghiên cứu gì?
Nghiên cứu định lượng (quantitative research) là giải thích các hiện tượng bằng cách thu thập dữ liệu định lượng và phân tích bằng các phương pháp toán học, đặc biệt là các kỹ thuật thống kê (Aliaga & Gunderson, 2002). Trong cách tiếp cận nghiên cứu định lượng, nhà nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa các biến để kiểm định các giả thuyết và lý thuyết (Antwi & Hamza, 2015; Creswell & Creswell, 2018). Ví dụ, để kiểm định giả thuyết “quảng cáo làm tăng doanh số bán hàng”, sinh viên có thể thu thập dữ liệu chi phí quảng cáo và doanh số bán hàng của các công ty và sử dụng phương pháp hồi quy để đánh giá tác động của biến độc lập đến biến phụ thuộc. Các bước không thể thiếu trong nghiên cứu định lượng bao gồm: thu thập dữ liệu, xử lý và phân tích dữ liệu, giải thích và thảo luận kết quả nghiên cứu, v.v.
2. Mục đích và ứng dụng của phương pháp nghiên cứu định lượng
Việc lựa chọn cách tiếp cận phụ thuộc vào vấn đề nghiên cứu (Creswell & Creswell, 2018). Như đã đề cập về khái niệm của phương pháp nghiên cứu định lượng, thì việc áp dụng phương pháp này nhằm đo lường hay tìm ra mối tương quan giữa các biến với nhau
Có thể thấy rằng, ưu điểm của phương pháp nghiên cứu định lượng là việc áp dụng mô hình kinh tế lượng, mô hình toán học làm cho đề tài nghiên cứu có tính khách quan, độ tin cậy cao khi các biến số cũng như dữ liệu được lượng hóa. Dẫn chứng một số ví dụ về cách tiếp cận nghiên cứu định lượng rất phù hợp cho một số vấn đề nghiên cứu sau:
- Xác định các nhân tố tác động đến một kết quả nào đó;
- Đánh giá tác động của biến độc lập đến biến phụ thuộc;
- Phân tích mối liên hệ giữa các biến;
- Dự báo;
- Kiểm định giả thuyết hoặc lý thuyết.
3. Những điều cần quan tâm khi sử dụng nghiên cứu định lượng
Khi thực hiện một đề tài nghiên cứu bằng cách tiếp cận định lượng, sinh viên có thể tham khảo một số câu hỏi dưới đây để đảm bảo tính khả thi cũng như chất lượng của đề tài nghiên cứu:
- Có thể thu thập được dữ liệu định lượng không?
- Nguồn dữ liệu và quá trình thu thập dữ liệu định lượng có đáng tin cậy không?
- Việc lựa chọn phương pháp phân tích dữ liệu có phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và có nằm trong khả năng của sinh viên không?
- Quá trình phân tích dữ liệu có đáng tin cậy không?
- Kết quả nghiên cứu có được trình bày rõ ràng và chặt chẽ không?
- Kết luận và gợi ý chính sách có logic và thuyết phục không?
4. Cấu trúc cơ bản của một bài nghiên cứu theo hướng tiếp cận định lượng trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh
Trong đó, đối với đề tài nghiên cứu khoa học theo phương pháp định lượng sử dụng mô hình thì người nghiên cứu cần xác định mô hình và các bước cơ bản trong nghiên cứu của mình, bao gồm:
- Xác định mô hình và các mối quan hệ của đối tượng nghiên cứu
- Xác định biến số cho nhân số chính
- Xác định thang đo
- Thu thập dữ liệu từ các nguồn tin cậy
- Sử dụng công cụ để phân tích thông tin
Phần lớn các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực kinh tế, kinh doanh theo hướng nghiên cứu định lượng thường áp dụng một cấu trúc chuẩn cho các báo cáo nghiên cứu bao gồm những mục chính sau: Mở đầu , Cơ sở lý thuyết, Phương pháp nghiên cứu, Kết quả nghiên cứu, Kết luận.
Sinh viên cũng có thể tham khảo cấu trúc trên khi viết bài báo nghiên cứu khoa học sử dụng phương pháp định lượng
Từ khóa: nghiên cứu khoa học, khoa quản trị, hcmulaw, định lượng, quy trình
Tài liệu tham khảo
Aliaga, M., & Gunderson, B. (2002). Interactive statistics. New Jersey: Prentice Hall.
Antwi, S. K., & Hamza, K. (2015). Qualitative and Quantitative Research Paradigms in Business Research: A Philosophical Reflection. European Journal of Business and Management, 7(3), 217–225.
Creswell, J. W., & Creswell, J. D. (2018). Research design: qualitative, quantitative, and mixed methods approaches. Fifth edition. Los Angeles, SAGE.
Nội dung: Hồ Hoàng Gia Bảo, Nguyễn Bá Hoàng
Biên tập: Nguyễn Minh Đạt