TỔNG THUẬT TOẠ ĐÀM “NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA GIẢNG VIÊN KHOA QUẢN TRỊ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM”

TỔNG THUẬT TOẠ ĐÀM

“NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA GIẢNG VIÊN

KHOA QUẢN TRỊ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM”

 

Với mục tiêu phát triển năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH) và nâng cao chất lượng giảng dạy, nhằm tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng NCKH cho đội ngũ giảng viên, ngày 17 tháng 11 năm 2024, Khoa Quản trị đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nghiên cứu khoa học của Giảng viên Khoa Quản trị - Trường Đại học Luật TP HCM”.

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi với sự tham gia đông đảo của lãnh đạo và giảng viên của Khoa.

Mở đầu buổi tọa đàm là phần trình bày của nhóm tác giả Lê Thị Kim Khang và Lê Anh Luyến với tham luận “Ứng dụng AI trong nghiên cứu khoa học của giảng viên Khoa Quản trị - Trường Đại học Luật TP HCM”. Nhóm tác giả đã giới thiệu các công cụ hữu ích cũng như tính năng nổi trội của các ứng dụng này mà giảng viên có thể khai thác, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả. Các công cụ nổi bật được nhóm tác giả giới thiệu như: SciSpace, Jenni.ai, ChatGPT AI, Gemini AI,... Thông qua đó, nhóm tác giả đã cung cấp một góc nhìn mới trong việc ứng dụng AI vào NCKH của giảng viên.

ThS Lê Thị Kim Khang trình bày tham luận

Ngoài ra, với mục tiêu góp phần nâng cao năng lực NCKH của giảng viên, các giảng viên trong khoa đã đóng góp nhiều tham luận chất lượng ở nhiều góc nhìn khác nhau.

Với bài viết “Những khó khăn, thách thức của giảng viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học”, Ths Nguyễn Hoàng Phước Hiền đã chỉ ra các vấn đề khó khăn mà giảng viên gặp phải, từ đó, chỉ ra các nguyên nhân và đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ, giúp tạo môi trường thuận lợi để giảng viên có thể phát huy năng lực NCKH của mình.

Với một góc nhìn của giảng viên trẻ, Ths Trương Diệu Thảo và Ths Bùi Doãn Zin đề cập đến những vấn đề mà giảng viên trẻ đang phải vượt qua trên hành trình NCKH. Thông qua tham luận “Những khó khăn giảng viên trẻ gặp phải trong công tác nghiên cứu khoa học và đề xuất hỗ trợ”, nhóm tác giả đã trình bày các trở ngại của giảng viên trẻ và một số mong muốn được hỗ trợ để nâng cao năng lực NCKH, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong giáo dục đại học.

Ở chiều ngược lại, hoạt động NCKH của giảng viên trẻ cũng là mối quan tâm, chia sẻ từ những giảng viên đã có bề dày kinh nghiệm trong NCKH. Bài viết “Một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên trẻ ở Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh” của TS. Nguyễn Thị Hoa là một minh chứng cho thấy sự quan tâm, chia sẻ này giữa các thế hệ giảng viên. Bằng trải nghiệm của một giảng viên đã có nhiều công trình NCKH, TS Nguyễn Thị Hoa đã đề xuất một số giải pháp hữu ích nhằm hỗ trợ giảng viên trẻ trong công tác NCKH.

Đối với hoạt động NCKH, công bố các công trình nghiên cứu là điều kiện bắt buộc, trong đó, công bố quốc tế là mục tiêu hướng đến của tất cả giảng viên. Tuy nhiên, công bố quốc tế là một thách thức không nhỏ, đặc biệt là việc công bố trên các tạp chí uy tín. Với tham luận “Một số thách thức trong công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục Scopus, Web of Science”, TS Hồ Hoàng Gia Bảo chỉ ra các trở ngại mà giảng viên có thể gặp phải trong quá trình công bố. Đồng thời với kinh nghiệm trong nghiên cứu của mình, TS. Hồ Hoàng Gia Bảo đã chia sẻ những cách thức hiệu quả giúp giảng viên vượt qua các trở ngại này.

TS. Hồ Hoàng Gia Bảo trình bày tham luận

Buổi Tọa đàm đã tạo ra một không gian cởi mở để các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong giảng viên. Các kinh nghiệm được chia sẻ, các giải pháp được đề xuất trong tọa đàm là nền tảng vững chắc để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới, góp phần phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực và đóng góp vào sự phát triển chung của Khoa.

Tập thể giảng viên Khoa Quản trị chụp hình lưu niệm

Nội dung: Ban tổ chức Hội thảo

Hình ảnh: Diệu Thảo

Tổ truyền thông khoa Quản trị